Nếu như Washi (Hòa chỉ) là từ để chỉ giấy thủ công của người Nhật, Hanji (Hàn chỉ) là từ để chỉ giấy thủ công của người Hàn quốc (không chỉ cụ thể một loại nguyên liệu nào), thì Trúc Chỉ là danh từ để định danh một loại hình giấy- nghệ- thuật, nghệ- thuật- giấy mới của Việt nam.

Với ý nghĩa hình tượng cây tre/trúc là biểu tượng văn hóa và tinh thần Việt (cũng là một trong những loại nguyên liệu được sử dụng cùng với: rơm, tre, mía, chuối, dâu, dứa, lá, cỏ…), được Nhà văn, Dịch giả Bửu Ý định danh vào tháng 4 năm 2012, và được Họa sỹ Phan Hải Bằng, Giảng viên Đại học Nghệ thuật- Đại học Huế cùng các cộng sự nghiên cứu và sáng tạo nên.

Nghệ thuật Trúc Chỉ khởi phát từ ý niệm: mang đến cho khái niệm “giấy” một khả năng mới: thoát khỏi thân phận làm nền cho các thao tác sáng tạo khác, để trở thành một tác phẩm nghệ thuật tự thân, độc lập.

Đây chính là tinh thần cốt lõi của Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam.

Với ý niệm mang lại tính nghệ thuật cho giấy thủ công, các phép ứng biến, tiếp biến về nguyên liệu, quy trình, thuật ngữ kỹ thuật tương ứng…đã được nghiên cứu, vận dụng để làm cho “Giấy” trở nên “Nghệ thuật Trúc Chỉ”. Một trong những thành tựu quan trọng là thuật ngữ kỹ thuật Đồ họa Trúc chỉ/ trucchigraphy đã được sáng tạo bởi đội ngũ Trúc chỉ.

Đồ họa Trúc Chỉ/ trucchigraphy là gì?

Đồ họa Trúc Chỉ/ trucchigraphy là sự kết hợp, ứng biến trên 3 yếu tố:

– Quy trình nghề giấy thủ công truyền thống

– Nguyên lý của các kỹ thuật chất liệu của Nghệ thuật Đồ họa (Silkscreen, etching…)

– Kỹ thuật dùng áp lực nước cơ bản (được sử dụng ở các nước quanh khu vực).

Thuật ngữ này đã được HS Phan Hải Bằng và cộng sự nghiên cứu, tiếp biến và sáng tạo trong quá trình làm việc, nghiên cứu, thể nghiệm… đến nay đã trở thành một thuật ngữ đồ họa mới của Nghệ thuật đồ họa Việt nam, đã được thừa nhận và sử dụng trong giới chuyên môn. Đây chính là điều làm nên sự khác biệt, đặc trưng của Trúc Chỉ, tạo nên hệ thống lớp lang, sắc độ, sắc nhị tinh tế cho tác phẩm đồ- họa-giấy mà trước nay chỉ mới có được ở Trúc Chỉ.

Nếu nguyên lí của việc in khắc kim loại là sử dụng hóa chất để bóc đi từng lớp kim loại, tạo ra hệ thống sắc độ khi in ra, thì đồ họa Trúc Chỉ sử dụng áp lực nước để bóc đi từng lớp lớp bột giấy một để tạo nên các độ dày mỏng, tương ứng với hệ thống sắc độ cho tác phẩm Trúc chỉ khi tương tác với ánh sáng.

Nếu như tranh in khắc kim loại chỉ cho 1 hiệu ứng duy nhất là hiệu ứng bề mặt với sắc độ tương ứng với độ ăn mòn nông, sâu trên mặt kim loại, với Trúc Chỉ lại có khả năng mang đến 2 hiệu ứng trên cũng một tác phẩm một cách linh hoạt: –hiệu ứng bề mặt: ánh sáng thuân, dương bản: dày thì sáng, đậm thì tối –hiệu ứng xuyên sáng: ánh sáng ngược, âm bản: dày thì tối, mỏng thì sáng.

Đây chính là một trong những đặc điểm thu hút và gợi cảm hứng cho nghệ sỹ và người thưởng ngoạn của Nghệ thuật Trúc chỉ.

Nghệ thuật Trúc Chỉ hiện đang được vận hành cả hai hướng: nghệ thuật thị giác, và nghệ thuật ứng dụng với nhiều thành tựu triển lãm, giải thưởng trong và ngoài nước.